An cư trong mùa lũ…
Tới nay, chương trình xây dựng CTDCVL đã triển khai trên địa bàn 8 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL gồm: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Theo số liệu mới đây của Bộ Xây dựng, đến nay toàn vùng ĐBSCL đã triển khai 798 dự án với 982 CTDCVL, xét cho gần 190.000 hộ dân sống ở những vùng ngập, vùng sạt lở vào sinh sống.
Ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp – cho biết, giai đoạn 1, toàn tỉnh xây dựng 204 CTDCVL với 47.415 nền nhà, đã xét duyệt bố trí cho 36.935 hộ. Giai đoạn 2 tiếp tục triển khai xây dựng 46 CTDCVL với qui mô 342,39ha, quy hoạch 14.231 nền nhà, đến nay đã xét duyệt 6.537 hộ, bố trí vào ở 3.207 hộ.
Còn tại An Giang, chính quyền địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện 42 CTDCVL giai đoạn 2, bố trí hơn 12.000 hộ dân vào sinh sống. An Giang còn đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung cho địa phương 19 CTDCVL để bố trí cho hơn 5.500 hộ bị ảnh hưởng nặng do tình hình sạt lở phát sinh từ mùa lũ 2011.
Nhờ chương trình CTDCVL, nhiều địa phương vùng lũ đã giúp người dân có nơi an cư, chủ động "sống chung với lũ". Những ngày này, đi dọc QL30 qua các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự (Đồng Tháp), đến đâu cũng nghe người dân bàn tán chuyện làm ăn trong mùa lũ.
Ông Nguyễn Văn Hiệp cư ngụ tại TDC Phú Hiệp (xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) bộc bạch: "Cũng nhờ di dời vào CTDCVL, người dân chúng tui bây giờ không phải lo cảnh chạy lũ, yên tâm kiếm sống khi con nước đổ về".
Còn ông Nguyễn Văn Sơn cư ngụ tại TDC Tân Thành (xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên, An Giang) – cho biết: "Trước kia, mỗi năm lũ về nước dâng lênh láng, nhà cửa phải kê kích mới ở được. Còn nay, gia đình tôi được cấp nền nhà gần 100m2 trong TDC Tân Thành nên có thể yên tâm sinh sống".
Ông Nguyễn Văn Lễ – tổ trưởng tổ 17 TDC Tân Thành – chia sẻ: "Những ai sống ở vùng lũ những năm trước mới thấu hiểu được cảnh khốn khó khi chống chọi với con nước. Lũ tràn về mang theo tôm cá, phù sa bồi đắp ruộng đồng, nhưng cũng khiến bao gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn vì nhà cửa, vật chất trôi theo con nước. Chính vì vậy, có một nơi an cư để an tâm sản xuất là điều mong mỏi lớn nhất của những người dân".
Vì sự an toàn của người dân
Không chỉ giúp người dân an cư, thông qua chương trình xây dựng CTDCVL, nhiều địa phương còn triển khai các giải pháp với mục tiêu tiên quyết: Đảm bảo an toàn cho người dân. Tại Đồng Tháp, thực hiện phương châm "4 tại chỗ", mùa lũ năm 2012, tỉnh đã tổ chức thêm các đội thanh niên xung kích (1 – 3 đội/xã). Lực lượng này có kế hoạch cụ thể trong tình huống cần thiết sẽ huy động các phương tiện tại chỗ có trọng tải lớn của dân sẵn sàng di dời khi lũ lớn đổ về.
Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – nhấn mạnh: "Nhiệm vụ hàng đầu trong chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa lũ 2012 là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân". Tại An Giang, ngành y tế đã chuẩn bị 300 cơ số thuốc (2,5 triệu đồng/cơ số thuốc) và kết hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh thành lập hơn 300 chốt cứu nạn, chuẩn bị phương tiện dụng cụ, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân vùng lũ, vùng khó khăn.
Ông Huỳnh Thanh Phong – Trưởng phòng NNPTNT huyện An Phú (An Giang) – cho hay: "Chúng tôi đã thành lập 58 chốt cứu hộ, 37 điểm giữ trẻ và 26 điểm đưa rước học sinh. Tại những điểm quan trọng như cầu Phú Quý, chốt cứu hộ sẽ trực ban thường xuyên, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra…".
Mùa lũ năm 2012 này, ghé vào một số CTDCVL ở vùng ĐBSCL có thể thấy hàng trăm căn nhà mới được xây cất khá khang trang, đời sống người dân đang dần ổn định. Không ít trẻ em vùng lũ không còn phải theo cha mẹ mưu sinh theo con nước, đàng hoàng đến lớp và có nơi vui chơi an toàn…
Đăng nhận xét