Vào thời điểm nước rút, người dân sống ven sông, rạch tìm những bãi bồi, cồn, rồi mua cành me, tràm, tre, trúc… đem về cắm chà. Theo đó, hàng trăm đống chà hình thành trái phép dọc theo các bãi bồi ven sông, kênh, rạch. Mùa cắm chà rộ nhất là từ cuối tháng 9 âm lịch, kéo dài cho đến Tết Nguyên đán. Muốn dẫn dụ được các loài thủy sản vào ở nhiều trong đống chà, người dân đã nghĩ ra cách dùng mồi cám rang thật thơm trộn với xác mắm, hoặc chế biến cả mồi thuốc treo dưới lớp chà cho cá, tôm đánh hơi vào ăn. Với cách làm này, nếu trúng thì chỉ cần một mùa cắm chà theo con nước có thể ăn một cái Tết xôm tụ.
Ông Nguyễn Minh Đ., một người cắm chà gần bến đò Vịnh Tre, huyện Châu Phú (An Giang) cho biết, hồi đó ở khu vực này nước chảy dữ lắm, nhưng nhờ chúng tôi chất chà mà gần 10 năm nay ở đây tạo thành bãi bồi. "Cứ thấy trên đồng nước rút thì chúng tôi bắt đầu mua cành me, tre, trúc, tràm về chọn nơi thuận lợi để cắm chà. Tuy nhiên, muốn thu hút được cá lăng, cá mè rinh, tôm… vào trong chà, ngoài việc chọn cành cây thích hợp cho từng loại cá còn phải có kinh nghiệm chọn chỗ thoáng, dòng nước chảy nhẹ. Thấy vậy chứ không phải dễ ăn đâu. Nếu người mới vào nghề chọn địa hình nước sâu, chảy xiết để cắm chà thì chẳng ăn thua. Một tháng có thể dỡ chà 1 lần tùy theo con nước. Có tháng rơi ngay con nước cá ra thì dỡ chà 2 lần", ông Đ. tiết lộ.
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, khu vực bến đò vàm xáng Vịnh Tre, hiện tượng bồi lắng rất mạnh. Phía trên bến đò, ngày trước sâu hoắm, tuy nhiên do người dân cắm chà nhiều nên khu vực này bị bồi lắng tạo thành một bãi rộng trải dài. Đến mùa khô gây cản trở cho việc tàu thuyền qua lại.
Từ TP Long Xuyên ngược dòng sông Hậu, hầu như nơi nào cũng có việc cắm chà trái phép, đặc biệt là ở các đuôi cồn phía dưới bến phà Năng Gù, (huyện Phú Tân) và gần khu vực ngã ba vàm xáng Cây Dương (huyện Châu Phú). Khi hết mùa cá, những đống chà được dỡ đi, để lại một bãi bồi lấn dần ra sông, mỗi năm bồi một ít, riết tạo thành một khu vực bãi bồi rộng lớn. Nhưng cái đáng lo là việc lưu thông tàu thuyền tại những khu vực này trở nên khó khăn. Tại những nơi giao nhau như kênh xáng Vịnh Tre và kênh xáng Cây Dương, ghe tàu thường xuyên qua lại vào ban đêm nên dễ gây tai nạn giao thông. Ông Hai Tùng (dân lái ghe mua lúa) thường xuyên lưu thông qua đoạn kênh xáng Cây Dương, cho biết: "Ban đêm trời tối mịt đã hạn chế tầm nhìn lại còn gặp tình trạng cắm chà tràn lan trên sông càng gây khó khăn cho chúng tôi khi điều khiển phương tiện".
![]() |
![]() |
Người dân mua cây về cắm chà ven sông Hậu gây bồi lắng và cản trở giao thông đường thủy. |
Cặp kênh Vĩnh Tế cũng xuất hiện nhiều đống chà làm cản trở dòng chảy và gây ra tình trạng bồi lắng. Chỉ riêng tại khu vực từ cầu đúc kênh Vĩnh Tế đến xã An Nông (huyện Tịnh Biên) có đến vài chục đống chà. Nhiều năm qua, lòng kênh đang bị bồi lắng bởi nạn chất chà trái phép của người dân. Nếu chính quyền địa phương không can thiệp thì mỗi năm ngành chức năng phải tốn khoản chi phí lớn để nạo vét kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng. Theo ông Nguyễn Hoàng Huy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang, việc chất chà từ lâu đã bị nghiêm cấm do gây tác hại nhiều mặt. Cụ thể, làm cản trở, che chắn giao thông thủy do hẹp luồng lạch.
Đặc biệt là gây bồi lắng kênh mương nhanh, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, tăng kinh phí nạo vét kênh mương… Do đó, các địa phương cần phải kiểm tra, lập biên bản xử lý, bắt buộc người dân phải tháo dỡ chà. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần sớm phát hiện và cấm người dân chất chà ngay từ đầu để hạn chế một số phát sinh không đáng có trong công tác xử phạt, tháo dỡ
Source Article from http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2012/11/186072.cand
Đăng nhận xét