Người con An Giang đã trở về dòng sông cũ


Người con An Giang đã trở về dòng sông cũ

SGTT.VN – Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tạ thế vào lúc 12 giờ 45 phút ngày 9.1.2013, hưởng thọ 83 tuổi. Linh cữu của ông quàn tại nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3) từ 16 giờ ngày 9.1 và sẽ được an táng tại nghĩa trang TP.HCM ngày 12.1. Không chỉ những người bạn vong niên mà nhiều ca sĩ đã hát ca khúc của ông và cả những bạn trẻ thế hệ 8X cũng tỏ lòng tiếc thương một nhạc sĩ tài hoa.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp. Ông tham gia cách mạng năm 1945, bắt đầu sáng tác từ năm 1948. Trong 20 năm sống ở Hà Nội (1955 – 1975), ông đã viết hơn 100 ca khúc. Sau 1975 Hoàng Hiệp trở về miền Nam, công tác tại nhà xuất bản Âm nhạc TP.HCM, sau chuyển sang hội Âm nhạc TP.HCM và một thời gian làm tổng thư ký hội.

Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói, phim truyện và phim tài liệu. Năm 2000, ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Anh là nhạc sĩ chắp cánh cho những vần thơ

Tôi gọi anh là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất Việt Nam. Người ta biết đến bài thơ Trường Sơn đông, Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật, Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi nhờ âm nhạc của anh… Anh là một nhạc sĩ – nhà thơ, âm nhạc của anh đã chắp cánh rất nhiều cho những vần thơ, mang lại cảm xúc tinh tế, sâu sắc hơn cho từng tác phẩm.

Tôi và anh là đồng hương với nhau ở An Giang, cùng quê, lại cùng tuổi Tân Mùi. Khi tôi viết tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu, tôi đã đưa anh đọc đầu tiên. Anh và tôi đã cùng nhau làm cuộc viễn du về dòng sông đó, và anh đã viết tặng riêng "Nguyễn Quang Sáng và những người có dòng sông" bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ… Đến thắp nhang cho anh, cũng là kỷ niệm ngày sinh nhật tôi, nghĩ ngợi nhiều về anh, về cái chết, để thấy nó bất ngờ, nhưng cũng không bất ngờ, khi mình đã có một cái nhìn ung dung tự tại trước mọi biến cố của cuộc đời…

Ca sĩ Đức Tuấn: Luôn tự hào là đồng hương của chú

Với riêng Tuấn, đây không chỉ là nỗi buồn mà còn là sự mất mát bởi Tuấn hát rất nhiều nhạc của chú Hoàng Hiệp, luôn tự hào là người đồng hương An Giang với chú. Người con An Giang rồi đã trở về dòng sông cũ.

Tuấn chưa bao giờ có cơ hội làm việc chính thức với nhạc sĩ nhưng từng tham gia một chương trình riêng về âm nhạc của Hoàng Hiệp do VTC tổ chức. Từ nhỏ, lúc còn hát ngây ngô cho vui trong nhà, với chúng bạn, đến khi theo đuổi con đường ca hát, Tuấn thuộc và gắn bó với nhiều ca khúc của chú. Âm nhạc với ca từ không cầu kỳ nhưng chứa đầy cảm xúc là lý do Tuấn chọn hát Trở về dòng sông tuổi thơ, chọn Lá đỏ cho nhóm nhạc Vựa Lúa của mình tham gia hợp ca tranh tài và ra album, chọn Nhớ về Hà Nội khi trình bày trong các chương trình về thủ đô…

Ca sĩ Cẩm Vân: Nhớ mãi Con đường có lá me bay

Với nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Cẩm Vân không thể nào quên kỷ niệm đặc biệt với nhạc sĩ vào năm 1980. Lúc đó, Cẩm Vân mới bắt đầu con đường ca hát của mình và được nhạc sĩ Hoàng Hiệp khen là một cô bé Sài Gòn trong trẻo. Ca khúc Con đường có lá me bay là sự gắn bó đầu tiên của Cẩm Vân với âm nhạc Hoàng Hiệp khi nhạc sĩ dành riêng tặng ca khúc này cho mình thu thanh để phát trên đài. Những cảm xúc nhẹ nhàng, lãng mạn chính là vẻ đẹp trong âm nhạc của anh.

Kim Yến – Trâm Anh (ghi)



Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Báo An Giang - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger